RSS
« ... Gió vô hình vô sắc, chỉ khi thấy cỏ lung lay thì người ta mới biết là có gió ở đó. Nếu không có cỏ, gió nhất định sẽ đi lạc hướng. Vì thế, em phải cố mà lung lay, để trở thành loại cỏ nói cho gió biết: Sự tồn tại của anh là ở đây. »

Totto-chan, cô bé bên cửa sổ...

Trong các tác phẩm văn học tôi đã từng đọc, “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” có lẽ là một trong những tác phẩm để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và ấn tượng sâu sắc nhất. Lần đầu đọc Totto-chan khi mới học tiểu học, tôi đã không ngờ đây là một cuốn sách giàu lòng nhân ái đến thế. Phải đến sau này, khi đã đọc lại nhiều lần, tôi mới cảm nhận được những giá trị nhân bản sâu sắc.

“Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” là cuốn tự truyện của Tetsuko Kuroyanagi, một diễn viên truyền hình nổi tiếng Nhật Bản. Cô là tác giả của “Gấu Panda và tôi”, cũng là giám đốc “Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên sống” của Nhật. Từ số tiền thu được nhờ xuất bản “Totto-chan”, Tetsuko đã lập nên quỹ Totto, xây dựng nhà hát chuyên nghiệp đầu tiên cho các diễn viên câm điếc. Năm 1984, cô được bổ nhiệm làm sứ giả thiện chí của UNICEF. Câu chuyện là những kỷ niệm hạnh phúc về thời thơ ấu của Tetsuko khi mới là học sinh tiểu học, một cô bé mà lòng nhân hậu, niềm tin và khát vọng đã được miêu tả tài tình qua từng trang sách.
Totto-chan là một cô bé hiếu động, hay tò mò, thích tìm hiểu, khám phá mọi thứ. Tính sôi nổi có phần hơi đãng trí của em làm em thêm hồn nhiên. Nhưng Totto-chan là một đứa trẻ đặc biệt, ở em có những suy nghĩ kỳ lạ không giống như những đứa trẻ khác. Chỉ vì những ý thích khác thường của em như: mở-đóng nắp ngăn bàn hàng trăm lần vì thấy mới lạ; suốt ngày đứng bên cửa sổ nhìn ra đường phố và gọi những người hát rong đi qua làm náo loạn cả lớp học; hay thường xuyên nói chuyện với động vật, chim chóc… mà Totto-chan đã bị đuổi học tại trường tiểu học đầu tiên. Vì vậy, mẹ em phải đi tìm một ngôi trường mới, nơi mà người ta có thể hiểu được cô con gái nhỏ bé của bà và dạy cho nó biết sống hòa hợp với người khác. Nơi đó không đâu khác chính là trường Tomoe! Tại đây, Totto-chan đã gặp thầy Kobayashi, người mà ngay ngày đầu tiên đã ngồi nghe em kể chuyện suốt 4 tiếng đồng hồ. Trước đó cũng như từ đó về sau, không có người nào chú ý lắng nghe em nói trong một thời gian dài như thế.
Tôi không thể đánh giá hết việc ông Kobayashi luôn lắng nghe một em học sinh kể về một việc bất ngờ đã xảy ra hay câu ông thường nói với Totto-chan: “Em biết không, em thật là một cô bé ngoan!” đã có ý nghĩa như thế nào. Thực vậy, Totto-chan là một cô bé ngoan về nhiều mặt. Em tốt với mọi người – đặc biệt là với các bạn bị tàn tật. Em hết lòng chăm sóc những con vật bị thương mà em gặp. Nhưng đồng thời, em cũng hay vướng phải những rắc rối lôi thôi vì cố gắng thỏa mãn trí tò mò mỗi khi phát hiện ra điều mới lạ. Nhưng xét cho cùng, hiếu kỳ đâu phải là một khuyết điểm hay tính xấu với bất cứ ai! Cả thời kỳ Totto-chan ở trường Tomoe, ông Kobayashi cứ nhắc đi nhắc lại câu nói quan trọng mà chắc hẳn đã quyết định hướng đi của toàn bộ cuộc đời em: “Totto-chan, em thật là một cô bé ngoan”. Câu nói đó đã đem đến cho em một niềm tin sâu sắc, một câu nói cứ vang mãi trong tâm hồn em, thậm chí ngay cả khi em làm một việc gì đó tự do, phóng túng. Nếu không đến trường Tomoe và không được gặp ông Kobayashi thì rất có thể Totto-chan đã bị mệnh danh là “một cô bé hư”, đầy mặc cảm và nhút nhát. Để nói rằng, ông Kobayashi là một nhà giáo tuyệt vời. Ông luôn tin rằng giáo dục tiểu học là bậc giáo dục quan trọng nhất đối với trẻ em. Ông đã tạo ra một môi trường học tập với chương trình tự do để các em phát triển những phẩm chất tốt đẹp của cá nhân và phát huy tính tự trọng.
“Hãy để các cháu phát triển tự nhiên. Đừng gò ép, cũng đừng cản trở khát vọng của các cháu. Ước mơ của các cháu lớn hơn tất cả!” Ông Kobayashi đánh giá cao tính hồn nhiên và muốn để cho đặc tính của trẻ em được phát triển càng tự nhiên càng tốt. Mỗi khi nhắc đến “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ”, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong trí óc tôi là một cổng trường rợp bóng cây cùng những phòng học toa tàu nằm im lìm trong sân. Các toa xe cũ sau nhiều năm tháng chở khách giờ đây đã “tháo hết bánh”, cuộc đời lo chuyên chở con người đã chấm dứt, từ nay, các toa xe này chỉ chở những tiếng cười của các em. Ngồi học ở đây có lẽ sẽ giống như đang trong một chuyến đi dài, cứ đi mãi, đi mãi…
Điều làm tôi ấn tượng nhất đó là lớp học trên con tàu: các em được phép tự do ngồi bất kỳ chỗ nào các em thích ở một buổi học nào đó; trong giờ đầu, cô giáo ghi toàn bộ các đề bài và những câu hỏi của các môn học trong ngày lên bảng, các em có thể bắt đầu bất kỳ môn nào mà các em thích… Đây là một phương pháp lý tưởng giúp các em có hứng thú trong học tập. Nếu hiện nay có những trường như trường Tomoe thì chắc những hiện tượng vi phạm thường xuyên như bỏ học, trốn tiết… sẽ ít đi nhiều. Ở Tomoe, không một học sinh nào muốn về nhà sau giờ tan lớp; và buổi sáng, khó ai có thể bắt chúng phải chậm lại không được đến trường ngay. Tomoe là một ngôi trường tuyệt vời như vậy đó!
Việc học tập được tiến hành vào buổi sáng. Buổi chiều dành để đi dạo, thu thập cây cỏ, tập vẽ, tập hát hay nghe các bài thuyết trình của thầy hiệu trưởng. Các em thường xuyên có những cuộc dạo chơi để khám phá thiên nhiên, thường xuyên được học thể dục nghệ thuật để rèn luyện trí óc và cơ thể, nhờ đó có ý thức về nhịp điệu và khơi dậy được trí tưởng tượng cũng như đẩy mạnh tính sáng tạo. Thầy Kobayashi luôn cho rằng tất cả trẻ em bẩm sinh vốn tốt đẹp và bản chất đó rất dễ bị môi trường xung quanh cùng những ảnh hưởng xấu của người lớn phá hoại. Mục đích của ông là khám phá “bản chất” của các em và phát triển nó, để nó giúp các em trở thành những con người với những phẩm chất riêng. Theo quan điểm của ông, nền giáo dục đương thời quá nhấn mạnh vào chữ viết, như vậy sẽ làm teo đi sự cảm nhận thiên nhiên qua các giác quan và sáng tạo bản năng của trẻ đối với tiếng nói hãy còn non nớt.
… Chính nhà thơ Basho đã viết:
“Hãy nghe! Một con ếch
nhảy vào sự yên tĩnh
của một mặt hồ cổ”.
Ấy vậy mà đã có biết bao nhiêu người, hẳn đã phải thấy hiện tượng con ếch nhảy vào mặt hồ. Trải qua bao nhiêu thời đại, Watt và Newton không thể là những người duy nhất để ý đến hơi nước thoát ra từ một ấm nước hay nhận xét một quả táo rơi…
Nhiều người không nhận ra rằng những cuộc dạo chơi ấy, đối với các em, thực chất lại là những bài học quý giá về khoa học, lịch sử và sinh học.
Lần đầu tiên đọc Totto-chan là khi tôi học cấp I. Trường tiểu học của tôi cũng là một ngôi trường đặc biệt: Nguyễn Đình Chiểu, trường dành cho các học sinh khiếm thị. Tuy nhiên, trường cũng có rất nhiều học sinh sáng mắt. Nơi đây, chúng tôi được học chung với một số bạn học sinh kém mắt, để các bạn không cảm thấy mặc cảm hay tự ti. Nhưng lúc bấy giờ, tôi không thể hiểu hết ý nghĩa của việc đó. Câu chuyện Totto-chan khi ấy đã cuốn hút tôi một cách kỳ lạ, và nó cũng giúp tôi hiểu ra nhiều điều: đối xử tốt hơn và đồng cảm nhiều hơn đối với các bạn khuyết tật.
Tôi luôn coi trọng cách giáo dục của thầy Kobayashi. Bằng việc cho tất cả học sinh tắm trần tại bể bơi, ông muốn dạy cho các em biết rằng tất cả mọi cơ thể đều đẹp. Có một số em bị bại liệt, như Yasuaki-chan chẳng hạn, hoặc thân hình quá nhỏ, hoặc bị một tật nguyền nào đó, khi được tắm trần cùng với các bạn khác đã dần mất đi cảm giác xấu hổ, mặc cảm tự ti mà cùng vui chơi thoải mái. Hay với Takahashi, một cậu bé bị tật bẩm sinh, dáng người nhỏ bé, bước đi khó khăn và đặc biệt là cậu không thể lớn thêm được nữa. Nhưng trong ngày hội thể thao, thầy Kobayashi đã nghĩ ra những phần thi để Takahashi có thể là nhà vô địch. Ông đã khuyến khích em nhảy qua những ngựa gỗ cao hơn mình, luôn luôn làm em tin rằng có thể nhảy qua được. Thầy Kobayashi đã truyền cho cậu bé một niềm tin, khiến em hiểu được niềm vui không gì tả nổi của sự thành công. Hễ khi em cố giấu mình ở phía sau là thầy hiệu trưởng lại tìm cách đưa ra phía trước để em phải phát huy một thái độ tích cực đối với cuộc sống, dù muốn hay không. Tôi cứ ấn tượng mãi về sự phấn khởi của Takahashi khi giành được phần thưởng trong ngày hội thể thao, tưởng tượng ra một đôi mắt sáng lên rạng rỡ và có ý thức hơn bao giờ hết.
Tôi không nhớ được mình đã đọc “Totto-chan” bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc lại tôi lại có thêm một cảm nhận mới mẻ hơn. Càng đọc, tôi càng cảm giác như mình đang sống cùng với truyện, mơ được học tại một ngôi trường như thế, có một người thầy như thế, sống một cuộc sống vô tư như thế… Mặc dù, không bao giờ tìm lại được cảm giác thích thú, phấn khích như hồi đọc cuốn truyện này lần đầu khi còn bé, nhưng đọc lại những câu chuyện hồn nhiên, trong sáng, tôi thấy như lòng mình nhẹ nhàng đi đôi chút. Để rồi, sau khi câu chuyện kết thúc, lại thấy nhớ Totto-chan, nhớ lớp học trên đoàn tàu, nhớ thầy giáo “bác nông dân” dạy nông nghiệp… Và ước ao sau này, con mình sẽ được học ở một ngôi trường với thầy hiệu trưởng đáng kính như thầy hiệu trưởng trường Tomoe.
Tôi cũng đã may mắn được học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, một trường tiểu học tuyệt vời đối với trẻ thơ.
“… bạn có nghe chăng
một niềm vui sinh động
đã từng hát lên một buổi sáng mùa xuân…”
Tomoe trong tiếng Nhật có nghĩa là ký hiệu hình dấu phẩy. Thầy Kobayashi đã chọn cho trường mình biểu tượng truyền thống là hai “Tomoe” – một đen, một trắng – kết vào nhau thành một vòng tròn hoàn hảo. Điều này tượng trưng cho mục đích của ông đối với trẻ em: cơ thể và trí tuệ cùng phát triển tuyệt đối hài hòa.
“Trường Tomoe bị cháy rụi vào ban đêm… Các máy bay B20 ném bom cháy, nhiều quả rơi vào các toa tàu dùng làm lớp học. Ngôi trường từng là ước mơ của thầy hiệu trưởng bị ngập chìm trong biển lửa. Thay vào các âm thanh tiếng cười, tiếng hát của học sinh mà ông rất mực yêu quý, trường học đang sập xuống trong tiếng lửa cháy khủng khiếp: Ngọn lửa không sao dập tắt được đã thiêu trụi cả trường học. Ngọn lửa đốt sáng rực cả Jiyugaoka.
Giữa cảnh tượng đó thầy hiệu trưởng vẫn đứng trên đường và nhìn ngọn lửa thiêu đốt. Ông quay sang hỏi cậu con trai là Tomoe, sinh viên đại học đứng ngay cạnh ông:
-     Lần tới ta sẽ xây lại một ngôi trường thế nào hở con?
…”
Như vậy, trường Tomoe bị phá hủy năm 1945, trong trận oanh tạc của không quân vào Tokyo. Sự tồn tại của nó thật quá ngắn ngủi. Giá như không có chiến tranh hẳn sẽ có biết bao em nhỏ đã được thầy Kobayashi chăm sóc và giáo dục. Sau khi đọc “Totto-chan”, tôi tin chắc rằng trên thế gian này có nhiều nhà giáo giỏi – những người có lý tưởng cao và có tình thương yêu to lớn đối với trẻ em – mơ ước mở những trường học lý tưởng.
Totto-chan cũng đã cho người đọc cảm nhận được sự khủng khiếp của chiến tranh, điều mà trẻ em thế hệ ngày nay không thể hiểu rõ. Ở ngoài kia, biết bao em nhỏ đang phải chịu những hậu quả nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ ở những đất nước như Irak, Afghanistan… nơi mà chiến tranh vẫn đang diễn ra, các em phải sống với bom đạn, mà còn cả ở những nơi chiến tranh đã qua đi, bao trẻ em như trẻ em Việt Nam đang là nạn nhân của một chất độc mang màu da cam, một chất độc dai dẳng bám theo suốt cả cuộc đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua “Totto-chan”, tôi và có lẽ cũng như tất cả các bạn đọc khác, đều mong muốn mỗi trẻ em trên Trái Đất này đều có điều kiện lớn lên bình thường, khỏe mạnh, trong tình yêu, sự chăm sóc, được học hành, không phải chịu đói khổ và sợ hãi. Với lối viết kể chuyện làm rung động lòng người, câu chuyện đã chinh phục biết bao con tim, không chỉ khiến người xích lại gần người hơn mà còn là lời kêu gọi cho hòa bình thế giới.
“Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” khi xuất bản đã phá kỷ lục cuốn sách bán chạy nhất: bốn triệu rưỡi bản được bán hết trong năm đầu tiên, và sau 3 năm, chỉ riêng tại Nhật Bản, con số đã lên đến sáu triệu bản. Cuốn sách còn được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, thu hút bạn đọc trên khắp thế giới. Câu chuyện ra đời đã lâu, tại sao đến bây giờ vẫn được hoan nghênh nhiều đến thế? Tôi nghĩ rằng cuốn sách xuất hiện đúng vào lúc sự nghiệp giáo dục trở thành một vấn đề cốt yếu, và mọi người đều thấy rằng cần phải có một tác động nào đó đối với nền giáo dục. Vì vậy, nhiều người đã đọc cuốn sách như một “luận thuyết giáo dục”, mặc dù đó không phải là mục đích của tác giả khi viết nó. “Totto-chan là bản cáo trạng thầm lặng về một nền giáo dục không có kết quả” (Thời báo “New York Times”). “Totto-chan đã nhắc nhở hàng triệu người về một nền giáo dục mà trẻ em hằng mong muốn” (International Herald Tribune). “Chắc rằng mỗi học sinh đều mơ ước được như Totto-chan may mắn vào học một ngôi trường như Tomoe, với một thầy hiệu trưởng như ông Kobayashi, và chỉ mong cho nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc cha mẹ đọc sách này, để giúp thoát khỏi khuôn nếp cũ, tự tạo ra tư duy mới trong việc chăm sóc dạy dỗ con em” (Website chính thức của Totto-chan). Như vậy, thực trạng hiện tại của nền giáo dục Việt Nam thì tôi không dám bàn nhiều, nhưng tin rằng, chừng nào nó còn chưa được cải thiện thì sẽ vẫn còn nhiều trẻ em tìm đến Totto-chan, để mơ về một mái trường tuyệt vời như thế.
Riêng cá nhân tôi cho rằng “Totto-chan” là một tác phẩm văn học có giá trị nhận thức và giá trị nhân đạo sâu sắc. Đôi khi trong cuộc sống có những thứ hết sức giản dị mà mình không hề nhận ra cho đến khi được đọc trong văn học: “Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời là có mắt nhưng không thấy vẻ đẹp; có tai nhưng không nghe được âm nhạc; có óc nhưng không nhận thấy chân lý; có trái tim nhưng không bao giờ rung động và do đó không bao giờ rực cháy”.
Nhan đề “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” là một thành ngữ phổ biến, đề cập đến những con người ở “bên lề cửa sổ”, những người đang ở bên mép cửa hay sắp bị đẩy ra ngoài giá lạnh. Tại trường tiểu học đầu tiên, Totto-chan đã thực sự bị “đẩy ra ngoài cửa sổ” – bị xa lánh, chịu sự lạnh lùng. Nhưng thật may mắn, nhờ có thầy Kobayashi và trường Tomoe, “cửa sổ hạnh phúc” cuối cùng đã mở ra trước mắt em. 

Giờ đây, trường Tomoe không còn nữa, nó đã bị cháy rụi vì chiến tranh, nhưng qua cuốn sách của Tetsuko, ngôi trường vẫn còn mãi trong tâm trí mỗi người đọc. Câu chuyện kết thúc tuy có một hướng mở nhưng nó vẫn đọng lại trong lòng tôi một cái gì đó không rõ hình dạng – một chút ngỡ ngàng, một chút tiếc nuối…

Đây là bài văn 1 tiết của mình hồi cấp III. Bài này làm theo đề mở, do thầy Hiếu ra, dành riêng cho lớp Pháp 1 (HN Ams 02-05), yêu cầu "viết về một tác phẩm văn học đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng & suy nghĩ". Hôm nay đi xem triển lãm Totto-chan về, tự dưng mình lại thấy "bùi ngùi" nên lôi ra đọc lại! :P [Triển lãm "Chihiro & Totto-chan"]

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 comments:

Post a Comment